Giải quyết bài toán quy hoạch bãi đỗ xe Hà Nội

09/11/2020 - Lượt xem: 198

Năm 2019, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND về việc đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bãi đỗ xe. Tuy nhiên, với lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp đột phá cùng cách làm quyết liệt hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu gửi xe trong tương lai.

Tháo gỡ từng bất cập

Suốt một thời gian dài, Hà Nội mới chỉ quan tâm tới tận dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu… làm bãi đỗ xe. Nhiều giải pháp tình thế đã được đưa ra, như: đỗ xe dưới lòng đường từ dọc sang chéo; đỗ ô-tô theo ngày chẵn, ngày lẻ; đỗ xe một bên đường..., nhưng không hiệu quả. Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, nhất là từ vành đai II đổ vào và giờ loang tới vành đai III. Trong khi đó, ở những khu đô thị mới phát triển, quỹ đất dành cho HTGT tĩnh cũng rất hạn chế.


Tiếp tục cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu chỉ là giải pháp tạm thời

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, TS Lê Đỗ Mười, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần minh bạch những gì còn “mập mờ” hiện nay trong quản lý bãi đỗ xe. Muốn làm được việc này, thành phố phải tổng rà soát chi tiết tới từng con đường, tuyến phố, khu đô thị… để tìm kiếm quỹ đất còn có thể dành cho HTGT tĩnh. Riêng các bãi đỗ xe trái phép cần xem xét, nếu bãi nào có thể tiếp tục tận dụng thì cấp phép để quản lý. Còn những bãi không bảo đảm được an toàn, cần có hành lang pháp lý để xử lý giải tỏa triệt để, tránh tái phạm.


Rất nhiều bãi đỗ xe tạm có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trật tự giao thông

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, phát triển HTGT tĩnh bắt buộc phải trông đợi vào việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, với những chính sách như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định khó có nhà đầu tư (NĐT) nào đủ tiềm lực, tâm huyết dành vốn cho các dự án (DA) xây điểm đỗ xe ngầm, cao tầng… 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, dù TP Hà Nội đã đưa ra một số chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào xây dựng bãi đỗ xe, dù phí trông giữ xe đã được chuyển thành giá, nhưng quan trọng nhất là mức giá trông giữ phương tiện vẫn đang bị khống chế theo Quyết định số 44/2017 của UBND thành phố Hà Nội. Đây là trở ngại đáng kể trong việc giúp NĐT thu hồi vốn. Thực tế, nếu tính về lượng, giá bao giờ cũng lớn hơn phí, bởi vì nó đủ chi phí bù đắp và có lợi nhuận hợp lý. Còn phí chỉ bù đắp một phần cơ bản về chi phí và còn mang tính phục vụ. Cho nên nếu là NĐT thì sẽ không mặn mà với lĩnh vực này.

Không chỉ riêng vấn đề giá trông giữ phương tiện, theo TS Mười, cơ chế chính sách phát triển bãi đỗ xe cần thay đổi lại. Ngoài cơ chế về giá, phí và một số chính sách đỗ xe trong nội đô, thành phố cần đề ra cơ chế ưu đãi vốn vay, miễn giảm thuế, ưu đãi thuê đất, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để tạo được sức hút với các NĐT.

Riêng chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, TS Mười cho rằng, trong tầm nhìn 10 năm tới, Hà Nội cần cân nhắc việc có cần thiết hay không? Thật ra hiện nay, không chỉ riêng Hà Nội mà các đô thị khác của cả nước cũng đều chưa có quy hoạch không gian ngầm nên để có thể làm được DA bãi đỗ xe sẽ gặp rất nhiều vướng mắc. Mặt khác, với công nghệ và chi phí đắt đỏ, chỉ những đô thị cực kỳ hiện đại ở các nước phát triển mới có thể làm được bãi đỗ xe ngầm, còn lại vẫn phải tận dụng lòng đường, vỉa hè và các quỹ đất dư thừa.

Khuyến khích đầu tư bãi đỗ xe thông minh

Nhận thức rõ những bất cập do HTGT tĩnh mang lại, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô-tô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”. 


Hà Nội cần rất nhiều bãi đỗ xe thông minh trong thời gian tới

Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại) đối với các DA giao thông tĩnh.  Riêng các DA xã hội hóa, sau 10 năm đầu, sẽ được tiếp tục xem xét hỗ trợ tiền thuê đất. Thành phố cũng miễn 100% tiền thuế nhập khẩu (NK) phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ NK phục vụ trực tiếp cho DA. 

Doanh nghiệp đầu tư vào giao thông tĩnh còn được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi. Trường hợp sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng tối đa 50% lãi suất tiền vay đầu tư trong 5 năm đầu, cụ thể theo từng DA được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đặc biệt, các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng để khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ hỗ trợ... Ngoài ra, thành phố khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng phục vụ nhu cầu công cộng.

Bên cạnh đó, UBND thành phố quy định, phê duyệt mức giá trần dịch vụ trông giữ xe, giá dịch vụ bến xe, giá trông giữ xe phù hợp từng khu vực, quy mô và mức độ hiện đại của từng DA, đối tượng nhằm bảo đảm thời gian thu hồi vốn hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. 

Để Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND sớm đi vào cuộc sống, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND phân công cụ thể cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, các cơ chế chính sách được cụ thể hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NĐT thực hiện các DA giao thông tĩnh.

Cần thêm những đột phá

Bên cạnh các giải pháp đầu tư hoàn thiện mạng lưới HTGT tĩnh theo quy hoạch, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Để đáp ứng tốc độ gia tăng, phát triển của phương tiện trên địa bàn, quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là phải có giải pháp thực hiện giãn dân cư trong nội thành, hạn chế phương tiện vào nội đô”. 

Thiếu điểm đỗ xe không chỉ riêng Hà Nội mà là câu chuyện chung của tất cả các đô thị hiện đại trên thế giới. Để tối ưu hóa khả năng tận dụng diện tích đỗ xe, TS Phạm Hoài Chung, chuyên gia giao thông đô thị cho biết: Các đô thị hiện đại trên thế giới đều phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh. Theo đó, hành lang đỗ xe được bố trí tự động, người dân sử dụng thẻ smart card để thanh toán và phí đỗ xe dùng cho việc tái đầu tư phát triển HTGT đô thị. 


Công nghệ hiện đại cho bãi đỗ xe là một trong những giải pháp

“Như tại Tokyo (Nhật Bản), thành phố có mật độ giao thông rất lớn, các tuyến phố mặt cắt ngang nhỏ hơn 6,5 m có lưu lượng giao thông thấp sẽ được sử dụng làm điểm đỗ xe. Ngoài ra, thông tin về mạng lưới bãi đỗ xe tại Tokyo cũng được cập nhật, quản lý qua phần mềm, giúp người dân dễ dàng tra cứu, tìm kiếm chỗ đỗ xe tối ưu cho mình. Hà Nội cũng nên có các chính sách uyển chuyển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào quản lý, khai thác điểm đỗ xe. Ở khu vực trung tâm, thành phố nên cho phép đấu thầu khai thác để thu hút được các doanh nghiệp có năng lực triển khai thực hiện”, TS Phạm Hoài Chung phân tích.

Bàn luận về giải pháp bền vững đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong đô thị, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội cho rằng: Nhu cầu đỗ xe cá nhân trong đô thị thì cá nhân phải có trách nhiệm chi trả đúng giá trị. Thay vì lo toan đáp ứng phúc lợi đỗ xe thì hãy coi đây là ngành kinh tế dịch vụ tiềm năng. Các thành phố trên thế giới đều coi bãi đỗ xe là bất động sản dịch vụ. Cần sử dụng công cụ tài chính để điều tiết cung cầu thay vì chỉ hoàn toàn trông đợi những công cụ hành chính. Các cơ quan quản trị công cũng cần tăng cường quản lý tài sản công bao gồm đất công, công trình hạ tầng công cộng, nguồn lực thuế phí một cách minh bạch hiệu quả và hỗ trợ xã hội phát triển ngành kinh tế dịch vụ đỗ xe ngày một phát triển.

Nguồn:nhandan.com.vn